10/07/2014
Ngày 21/5/2014, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học về Cuộc bầu cử Hạ nghị viện Ấn Độ năm 2014 với diễn giả là Bà Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ, Preeti Saran. Tham dự buổi nói chuyện còn có sự có mặt của PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Viện trưởng, TS. Nguyễn Xuân Trung, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, TS, PGS.TS. Đỗ Đức Định, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, TS. Nguyễn Bình Giang, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, TS. Hoàng Thị Thơ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á.
Trong buổi tọa đàm, bà Preeti Saran nêu tổng quan về quá trình diễn ra cuộc bầu cử với các số liệu cụ thể về số lượng cử tri, về quy cách kiểm phiếu bằng máy và cách thức tổ chức và kiểm soát bầu cử của Ủy ban bầu cử Ấn Độ. Bà khẳng định đây là một cuộc bầu cử tự do, hòa bình và hoàn toàn công bằng.
Bên cạnh đó, bà Preeti Saran còn đề cập đến những thành tựu kinh tế mà Ấn Độ đã đạt được. Bà nhấn mạnh rằng, với một quốc gia phức tạp và đa dạng như Ấn Độ thì “dân chủ” không có gì khác hơn chính là để quản lý và vận hành một quốc gia như Ấn Độ. Và cũng chính vì giữ vững nền dân chủ mà hình ảnh quốc gia của Ấn Độ đã được xác định. Ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ hiện nay là xây dựng các quan hệ đối tác bình đẳng, giữ vững môi trường ổn định với các quốc gia láng giềng. Tập trung giải quyết các thách thức trong nước như khu vực Đông Bắc, nghèo đói, việc làm, vấn đề tham nhũng v.v.., trong đó, quan trọng nhất là giữ vững an ninh Ấn Độ.
Trong phần thảo luận, các học giả đã trao đổi sôi nổi với nhiều câu hỏi xoay quanh cuộc bầu cử, cũng như các chính sách mới mà chính quyền của Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có thể thực hiện trong nhiệm kỳ mới.
Theo bà Preeti Saran, trong tương lai sẽ không có sự thay đổi lớn nào trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Định hướng của Ấn Độ là tăng trưởng hòa bình (cả đối nội và đối ngoại). Ưu tiên hàng đầu của Ấn Độ là ổn định và hòa bình với các quốc gia láng giềng Nam Á như Pakistan, Nepal, Srilanka, Myanmar v.v.. và dĩ nhiên là với cả Trung Quốc. Trong quá khứ, đã có rất nhiều xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan. Pakistan hiện nay là trung tâm của chủ nghĩa khủng bố. Pakistan nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn từ Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ cần phải cố gắng giữ hòa bình và ổn định với các quốc gia này.
Ấn Độ cũng sẽ tiếp tục tập trung vào các quan hệ đối tác chiến lược. Trong đó, Việt Nam là một nền kinh tế năng động ở châu Á và là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của Ấn Độ.
Buổi tọa đàm khoa học đã diễn ra trong không khí nghiêm túc, nhiều câu hỏi, ý kiến đã được thảo luận sôi nổi, mang lại nhiều kiến thức bổ ích cho người tham dự.
P.V