15/11/2013
Ngày 12/04/2013, với mục tiêu xúc tiến đầu tư và thương mại giữa hai nước, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ - Chi nhánh Hà Nội tổ chức Hội thảo và Giao thương Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội. Tham dự Hội thảo có các đại biểu: Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ngoài ra còn có sự tham dự của Chủ tịch Liên đoàn Các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ ASSOCHAM, Chủ tịch Phòng Thương mại Ấn Độ và đoàn 37 doanh nghiệp Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội thảo, Ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược “Hướng Đông” của Ấn Độ. Quan hệ đối tác chiến lược hai nước dựa trên 5 trụ cột là chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực. Ấn Độ và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, chăn nuôi, chế biến nông sản… Ngoài ra, hai nước có thể hợp tác về công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, cơ khí hóa, phòng chống hạn hán và dịch bệnh cây trồng…
Trong 10 năm qua, trao đổi thương mại của Việt Nam và Ấn Độ tăng 20 lần, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm 20%. Năm 2012, trao đổi thương mại nông sản chiếm hơn 20% tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ấn Độ, đạt 1,07 tỷ USD trong tổng kim ngạch 3,9 tỷ USD. Chính phủ hai nước đặt mục tiêu nâng tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Ấn Độ đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều nhà khoa học và hỗ trợ thành lập Viện nghiên cứu lúa và Viện nghiên cứu trâu bò và thức ăn gia súc tại đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp hai nước đã ký Hiệp định hợp tác trong vòng 3 năm. Hiện có 29 dự án đầu tư của Ấn Độ trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn hơn 270 triệu USD.
Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện để phát triển nông nghiệp cũng như đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như: điều kiện tự nhiên thuận lợi; đội ngũ lao động lành nghề; môi trường chính trị ổn định; đồng thời, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi trong lãi suất, tín dụng. Mặt khác, mặt hàng nông sản xuất khẩu giữa hai nước không đối kháng nhau, nên triển vọng hợp tác và đầu tư thương mại giữa hai nước trong tương lai là rất lớn.
Nguyễn Oanh