• Index
  • About US
    • Introduction
    • VIISAS Leaders
    • Development history
    • Development orientation
    • Personnel
  • International cooperation
  • Scientific activities
    • State-level projects
    • Ministry-level projects
    • Grassroots-level projects
    • Research
    • Conferences & Seminars
  • Publications
    • Books Introduction
    • Vietnam Review of Indian and Asian Studies
  • News - Events
  • Contact US
Điểm nhấn

Nâng cao vai trò của Ấn Độ ở châu Á - tìm hiểu trường hợp ASEAN

14/01/2017

Vào năm 2014, không lâu sau khi nhậm chức, Thủ tướng Narendra Modi đã công bố chính sách "Hành động hướng Đông" thể hiện sự nâng cấp các cam kết của Ấn Độ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi mối quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng phía tây như Afghanistan, và đặc biệt là Pakistan tạo ra sự chú ý lớn của giới truyền thông, chính phủ của ông Modi đã âm thầm tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình đối với khu vực Đông Á. Năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson đã công bố Sáng kiến Ấn Độ ở châu Á (India in Asia initiative) nhằm khảo sát về mối quan hệ của New Delhi với các nước láng giềng phương Đông. Trong bài phỏng vấn dưới đây, Michael Kugelman, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Wilson, phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á, thảo luận về các động lực chính và hạn chế của chính sách đối ngoại của Ấn Độ đối với khu vực này, đặc biệt là đối với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

 

Hỏi: Trong mười năm qua, tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Ấn Độ và ASEAN đã tăng gấp 5 lần, và các cuộc đối thoại chính thức giữa Ấn Độ - ASEAN gia tăng rất nhiều. Các yếu tố nào đã và đang là nguyên nhân chính khiến cho mối quan hệ này ngày càng sâu sắc hơn?

TL: Có ba lý do chính dẫn đến việc tăng cường quan hệ Ấn Độ - ASEAN. Hai lý do đầu tiên là các lý do thuần túy kinh tế:

Thứ nhất, Ấn Độ tìm kiếm thị trường mới cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của mình. Điều này vẫn cần thiết ngay cả trong trường hợp New Delhi thúc đẩy sự tăng trưởng nội địa thông qua sáng kiến "Make in India" (Sản xuất tại Ấn Độ), khuyến khích các công ty nội địa và đa quốc gia sản xuất hàng hóa tại Ấn Độ. Một số nước trong khu vực ASEAN có nền kinh tế phát triển với tốc độ cao (điển hình là Singapore), trong đó Việt Nam là quốc gia đang giữ kỷ lục về thu hút FDI. Quan hệ kinh tế Ấn Độ - ASEAN chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Theo đánh giá của McKinsey, ASEAN là khu vực kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới và là nơi 200 trong số các công ty lớn nhất thế giới đặt trụ sở.

Chính vì vậy Thủ tướng Modi đang và sẽ thúc đẩy chính sách tăng cường hợp tác kinh tế với ASEAN. Cũng như Ấn Độ quan tâm xâm nhập vào các thị trường mới, các nền kinh tế đang trong quá trình tăng trưởng nhanh tại ASEAN cũng cần phải tìm kiếm thị trường của riêng mình. Tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ, Donald Trump,  đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình DươngTrans-Pacific Partnership (TPP). Các nước thành viên TPP như Singapore, Việt Nam và Malaysia cần gấp rút tìm kiếm một hiệp định thay thế cho TPP giúp các nước này tiếp cận được với các thị trường trọng điểm, và thị trường Ấn Độ với dân số trẻ 1,2 tỷ người và sẽ là một điểm đến hấp dẫn.

Thứ hai, nền kinh tế Ấn Độ không chỉ cần mở rộng thị trường mà còn có nhu cầu lớn về năng lượng. Do đó, thị trường năng lượng của ASEAN đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn cung năng lượng nội địa của Ấn Độ đã không thể theo kịp với nhu cầu tiêu thụ cao của nền kinh tế đang phát triển. Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ cũng ý thức được rằng họ phải tìm kiếm các nguồn cung ở nước ngoài để thu hẹp khoảng cách cung-cầu. Cụ thể, nhu cầu than đá ngày càng tăng của Ấn Độ đã dẫn đến việc nhập khẩu than từ Indonesia, Ấn Độ cũng đã ký thỏa thuận thăm dò dầu khí với Việt Nam. Australia, nhờ vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và than đá dồi dào, cũng có thể là sẽ một mục tiêu cho các nhà hoạch định chính sách năng lượng của Ấn Độ trong tương lai. Hãy nhớ rằng phần lớn nguồn cung năng lượng hiện tại của Ấn Độ đến từ nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Đông, riêng dầu thô có tỷ lệ 2/3. New Delhi đang xem xét nhập khẩu năng lượng từ khu vực gần hơn và ổn định hơn là ASEAN. Điều đó đảm bảo ít rủi ro hơn an ninh năng lượng. Thêm nữa, do nhu cầu rất lớn về năng lượng cho cả tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng thực sự là vấn đề an ninh quốc gia của Ấn Độ. Để giải quyết vấn đề này, Ấn Độ cần triển khai một kế hoạch đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng bằng cách tìm kiếm những khu vực hợp tác ổn định hơn.

Lý do thứ ba mang ý nghĩa chiến lược: Ấn Độ muốn đạt được vị thế kinh tế và chính trị quan trọng hơn ở ASEAN- khu vực mà ảnh hưởng và sự hiện diện của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Ấn Độ có nhiều cơ hội để nâng cao vị thế của mình ở đây, vì một số nước ASEAN không ủng hộ việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện tại khu vực này. Trong đó Việt Nam và Philippines là hai nước đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, cả hai nước đều quyết liệt phản đối những hành vi khiêu khích của cường quốc này. Các cuộc điều tra dư luận mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center) cho thấy rằng quan điểm của Việt Nam và Philippines đối với Trung Quốc là tiêu cực, với chỉ 15% số người Việt Nam và chưa đầy 40% người Philipine có cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc. Ngoài ra, Myanmar -  một đất nước có thời gian dài gắn bó với Trung Quốc - nhưng trong những năm gần đây đã giữ một khoảng cách nhất định với Bắc Kinh và tiến hành một chính sách ngoại giao độc lập hơn. Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Myanmar đã góp phần giảm bớt căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với Hoa Kỳ. Ấn Độ đã khôn khéo tận dụng sự thay đổi chính sách của Myanmar bằng cách theo đuổi một cơ chế hợp tác sâu hơn với minh chứng cụ thể là sự kiện hai nước ký kết hiệp định hàng hải vào tháng 2/2016.

Trên thực tế, đối với khu vực ASEAN, New Delhi nhận thấy cơ hội để dựa vào, kết giao thêm nhiều đối tác, và đạt được nhiều ảnh hưởng. Đồng thời, Ấn Độ cần gấp rút tiến hành những bước đi cụ thể để tận dụng cơ hội này, bởi chúng có thể sẽ nhanh chóng biến mất. Những nỗ lực gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong việc mở rộng hợp tác với Trung Quốc là một minh chứng cho thấy ngay cả các quốc gia châu Á này cũng không nhận thức được rằng mối quan hệ gần gũi của họ với Bắc Kinh sẽ có tác động không nhỏ đến các mối quan hệ hợp tác song phương khác của họ. Động thái này có lẽ bị thúc đẩy bởi mối lo ngại ngày càng tăng về sự suy giảm khả năng lãnh đạo nhanh chóng của Hoa Kỳ trong khu vực ASEAN và toàn bộ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

 

Hỏi: Chính sách "hành động hướng Đông" của Ấn Độ có phù hợp với bối cảnh mà ông vừa mô tả hay không? Và Ấn Độ có đang khôi phục ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, hay thực ra chỉ đang tiếp tục tình trạng hiện tại?

TL: Chính sách "hành động hướng Đông" xuất phát từ một mục tiêu cơ bản: hợp tác với các nước Đông Á, điều này không có gì mới. Trong nhiều thập kỷ, thông qua chính sách hướng Đông (Look East) của mình, Ấn Độ đã tập trung vào mối quan hệ với các nước láng giềng phương Đông, nhất là mối quan hệ đặc biệt thân thiết với Nhật Bản. Các động lực của chính sách "hành động hướng Đông" được phản ánh qua những mục tiêu của Ấn Độ trong mối quan hệ với ASEAN: mong muốn phát triển thị trường, nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, và quyết tâm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Điều làm cho Chính sách Hành động hướng Đông khác biệt chính là nhịp điệu khẩn trương hơn. Điều này cho thấy tham vọng lớn của Ấn Độ trong việc “nâng tầm” mối quan hệ với các nước phương Đông – bao gồm cả khu vực ASEAN và Đông Bắc Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Không có gì bất ngờ khi Chính sách "hành động hướng Đông" - sự xác nhận vững chắc cho mối quan hệ với các nước phương Đông, được ban hành trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Narendra Modi. Ông Modi không chỉ dành nhiều sự quan tâm đến các chuyến công du nước ngoài mà còn đánh giá cao giá trị của các mối quan hệ toàn cầu mới và tăng cường những mối quan hệ hiện có. Năm 2016, trong một cuộc phỏng vấn, ông nói rằng vì "thế giới được kết nối và phụ thuộc lẫn nhau, bạn sẽ phải kết nối với tất cả mọi người cùng một lúc." Ông đã thực hiện hơn 50 chuyến đi nước ngoài trong thời gian làm thủ tướng, trong đó có hơn một chục chuyến đi đến Đông Á. Tính đến giữa tháng 11/2006, thủ tướng Modi đã thực hiện 8 chuyến đi tới khu vực ASEAN (bao gồm các chuyến thăm tới Thái Lan, Lào, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Myanmar, và Australia).

Tất cả những điều này thể hiện rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc Ấn Độ điều chỉnh “chính sách hướng Đông” thành “hành động hướng Đông” là sự lo ngại ngày càng gia tăng đối với Trung Quốc. New Delhi không muốn đứng ngoài cuộc trong khi Trung Quốc liên tục tiến hành các hoạt động tăng cường ảnh hưởng đối với các quốc gia láng giềng của Ấn Độ. Trung Quốc là thách thức lớn đối với Ấn Độ trong tất cả các vấn đề kinh tế, địa chính trị và an ninh, bởi vì:

 Thứ nhất, Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nên kinh tế tăng trưởng nhanh của mình, điều đó đòi hỏi cường quốc này phải hiện diện nhiều hơn ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á; Giống như Trung Quốc, Ấn Độ cũng có những động cơ về kinh tế thúc đẩy nước này tăng cường vai trò của mình trong khu vực Đông Nam Á. Sự cạnh tranh về tầm ảnh hưởng của Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ làm cho tình hình các khu vực này thêm căng thẳng.

Thứ hai, động cơ kinh tế của Ấn Độ trong việc tăng cường  hiện diện tại châu Á cũng làm gia tăng thêm các mối lo ngại về an ninh trong khu vực. Quan hệ với Việt Nam là một ví dụ tiêu biểu. Một trong những lý do lớn khiến cho Ấn Độ thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trong những năm gần đây là để tiếp cận với các nguồn năng lượng của quốc gia này. Hiện nay Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận năng lượng cho phép nước này thăm dò dầu khí trên vùng biển của Việt Nam. Lợi ích của Ấn Độ tại Việt Nam ngày càng tăng lên có nghĩa là an ninh năng lượng của Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng bởi các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông mà Việt Nam có liên quan trực tiếp . Sự bất ổn hay thậm chí sự xung đột trong khu vực có thể gây nguy hiểm cho hoạt động thăm dò dầu khí của Ấn Độ cũng như các công dân Ấn Độ tham gia hoạt động này.

Nói cách khác, quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu của Ấn Độ với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng khiến cho Ấn Độ ngày càng bị cuốn vào mạng lưới địa chính trị bất ổn tại Biển Đông. Điều này không có nghĩa là Ấn Độ sẽ trờ thành một đối tượng tham gia tranh chấp. Ngược lại, trong khi rất muốn làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác về năng lượng và kinh tế với các nước có liên quan, New Delhi không muốn đứng hẳn về một bên nào trong các cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ thành công trong việc nâng tầm quan hệ với nhiều nước, và hợp tác Ấn Độ - Hoa Kỳ ở châu Á tiếp tục phát triển, sớm muộn gì Ấn Độ sẽ nhận ra rằng mình là một thành viên của chiến dịch phản kháng Trung Quốc, ngay cả khi New Delhi không mong muốn công khai chống đối Bắc Kinh. Ấn Độ một mặt muốn âm thầm đẩy lùi sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực nằm giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) một mặt lại không hề muốn khiêu khích nước láng giềng hùng mạnh của mình.

 

Hỏi: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và đang tích cực hiện diện tại Đông Nam Á trong các lĩnh vực như sản xuất, năng lượng, y tế - các lĩnh vực mà Ấn Độ đang muốn tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu. Quan điểm của Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN như thế nào về mối quan hệ đang ngày càng sâu sắc giữa Ấn Độ và ASEAN?

TL: Đối với Ấn Độ, việc tăng cường hiện diện ở ASEAN là nhiệm vụ quan trọng nhất cần thực hiện để đạt được mục tiêu tìm kiếm thị trường mới cho nền kinh tế đang phát triển của quốc gia này. Việc này cũng sẽ góp phần giúp kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ hiểu rõ rằng làm sâu sắc thêm các mối liên liên kết kinh tế với ASEAN là một nhiệm vụ rất khó khăn, đơn giản bởi Trung Quốc đã chiếm một thị phần rất lớn trong khu vực này. New Delhi cũng có thể giành được thị phần và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong khu vực. Để  làm được điều đó Ấn Độ cần nâng cao vị thế chính trị của mình ở ASEAN, tham gia vào những lĩnh vực có sự hiện diện của Trung Quốc, đồng thời phải có sự “định vị” về mặt kinh tế để đảm bảo rằng người tiêu dùng sẽ sử dụng hàng hóa của Ấn Độ cũng như, thậm chí là thay thế, hàng của Trung Quốc.

Đối với Trung Quốc, tất nhiên nước này sẽ không “hài lòng” trước mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Ấn Độ và ASEAN, bởi Ấn Độ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn hơn và có vai trò kinh tế quan trọng hơn Ấn Độ ở ASEAN nên điều này không phải mối bận tâm quá lớn. Trong tương lai gần khoảng cách giữa hai nước chưa thể thu hẹp.  Cho nên Ấn Độ luôn cố gắng để bắt kịp Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ vấn đề hiện đại hóa quân đội, tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, đến việc đầu tư toàn cầu.

Đối với ASEAN, mối quan hệ của các nước khu vực này với Ấn Độ rất phức tạp. Nhiều thành viên của ASEAN ngày càng bất bình với những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, cùng lúc đó, một số quốc gia lại có lợi ích to lớn trong việc ủng hộ mối quan hệ cũng như sự đầu tư Trung Quốc vào ASEAN, đặc biệt là những quốc gia có lượng người di cư lớn từ Trung Quốc. Từ góc độ kinh tế, các quốc gia ASEAN dường như mong muốn cả có sự hiện diện của cả Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực. Ngoài ra, thị trường Ấn Độ và Trung Quốc cũng tạo ra các cơ hội rất lớn đối với các nước ASEAN.

 

Hỏi: Khi Ấn Độ tham gia ngày càng sâu hơn vào mạng lưới thương mại của khu vực, Ấn Độ xác định mình có vai trò gì trong khuôn khổ hợp tác khu vực, ví dụ như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC)?

TL: Ấn Độ có thể tăng kim ngạch thương mại song phương, nhưng sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong quan hệ đa phương. Kinh tế nước này chưa phải là một phần trong kiến trúc kinh tế của khu vực. Ấn Độ có tham gia vào các hiệp hội kinh tại châu Á như Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (South Asian Association for Regional Cooperation - SAARC) hay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation -  SCO) nhưng sự hiện diện của nước này không rõ nét. Ấn Độ không phải là thành viên của APEC và cũng không tham gia TPP. Thực tế này đã đưa đến một số câu hỏi về chính sách, như là Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi bởi bỏ lỡ tất cả các chuỗi cung ứng quan trọng trong khu vực Đông Nam Á nếu kinh tế Ấn Độ tiếp tục không được tích hợp vào nền kinh tế khu vực. Trong tương lai gần, triển vọng tham gia APEC của Ấn Độ tương đối xa vời, bởi nước này không đủ điều kiện để tham gia. Thật vậy, ngay cả khi được đánh giá là một nền kinh tế đang phát triển và khả năng tham gia thị trường toàn cầu đã mở rộng đáng kể, Ấn Độ vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong việc thuyết phục đối tác tại các vòng đàm phán thương mại quốc tế.

Có một tổ chức kinh tế khu vực mới nổi mà Ấn Độ khá quan tâm, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP ) [1]. Tầm quan trọng của thực thể non trẻ này đã tăng lên đáng kể sau khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ rút khỏi TPP.  Tuy nhiên, có tin đồn rằng, Ấn Độ đã gần như bị loại khỏi các vòng đàm phán tiếp theo của RCEP vì kiên quyết giữ quan điểm bảo hộ thương mại trong nước của mình.

Ấn Độ có nhiều động cơ chính trị hợp lý để duy trì chủ nghĩa bảo hộ. Mặc dù đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò chính trong nền kinh tế của Ấn Độ, với 55% số lao động làm việc trong lĩnh vực này. Nông dân Ấn Độ từ lâu đã có vai trò chính trị quan trọng, và các chính trị gia lo ngại rằng người nông dân có thể đối mặt với những cú sốc lớn nếu chính phủ giảm trợ cấp năng lượng, thực phẩm hay các hình thức bảo hộ khác. Để được nhìn nhận là một đối tác tin cậy trong nền kinh tế khu vực, Ấn Độ sẽ cần có những thỏa hiệp nhất định.

 

Hỏi: Sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng tằng của Ấn Độ trong khu vực Đông Nam Á có tác động thế nào đến vài trò của Hoa Kỳ ở ASEAN?

TL: Hoa Kỳ từ lâu đã mong muốn Ấn Độ hiện diện nhiều hơn tại khu vực Đông Nam Á và toàn bộ Châu Á-Thái Bình Dương. Trên thực tế, bà Hillary Clinton, chứ không phải ông Modi hoặc bất kỳ nhà lãnh đạo hay nhà lý luận nào của Ấn Độ, là người đầu tiên đưa ra khái niệm "hành động hướng Đông" và đề nghị Ấn Độ đồng ý. Điều này cho thấy chính sách “hành động hướng Đông” làm gia tăng việc chia sẻ lợi ích cũng như triển vọng hợp tác sâu hơn giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ. Trong thực tế, cả hai nước đang tiến hành một chiến lược tái cân bằng Châu Á: Ấn Độ thực thi chính sách "hành động hướng Đông” và Hoa Kỳ công bố rộng rãi chính sách “tái cân bằng châu Á”. Ấn Độ luôn mong muốn làm sâu sắc thêm quan hệ với một số quốc gia châu Á là những đồng minh thân thiết của Washington trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, và thậm chí cả Việt Nam.

Ấn Độ và Hoa Kỳ đều gặp phải những thách thức trong quá trình “xoay trục” châu Á của mình, trong đó có việc bị phân tâm bởi những vấn đề cấp bách khác xảy ra trên toàn thế giới. Chính sách tái cân bằng của Washington luôn bị hoài nghi ở châu Á khi Hoa Kỳ không thể giải quyết những rắc rối tại Trung Đông, và gần đây là tại châu Âu và Nga. Ấn Độ còn gặp nhiều rắc rối hơn khi phải đối mặt với mối đe dọa lớn từ Pakistan và các vụ khủng bố trong nước, đây đều là những vấn đề không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Tất cả điều này cho thấy chính sách của Ấn Độ đối với châu Á có phần rõ ràng hơn chính sách của Hoa Kỳ. Mặc dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết, chính phủ của Thủ tướng Modi sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế với ASEAN và rộng hơn cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đơn giản là chúng tôi không thấy được sự đảm bảo tương tự như vậy từ phía Hoa Kỳ. Ngay cả khi chính quyền Obama thúc đẩy chính sách tái cân bằng và thông báo ý định tăng cường sự tham gia của Hoa Kỳ ở châu Á, nhiều nước châu Á vẫn nghi ngờ rằng liệu Washington có muốn thực sự chính thức hóa chính sách này? Sự hoài nghi này xuất phát từ hai lý do: Thứ nhất, Washington thiếu một kế hoạch chi tiết để chỉ ra rằng công việc tái cân bằng bao gồm những điểm cụ thể nào. Thứ hai, nhiều rắc rối mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt tại Trung Đông, Nga, và cả những nơi khác sẽ cản trở sự tham gia mạnh mẽ của Hoa Kỳ ở châu Á. Giờ đây, khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á trong tương lai càng giảm sút trầm trọng. Ngoài tín hiệu sẽ rút Mỹ khỏi TPP, tổng thống Trump cũng thể hiện mong muốn đánh giá lại các mối quan hệ lâu dài ở châu Á, bao gồm cả những quan hệ đồng minh truyền thống với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong khi vai trò tương lai của Hoa Kỳ tại châu Á đang rất mờ mịt, mối quan hệ Hoa Kỳ - Ấn Độ lại được xác định khá rõ ràng. Mối quan hệ này đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và nhận được sự ủng hộ của cả hai phía. Tổng thống Donald Trump dường như rất ủng hộ những động lực chính của quan hệ hợp tác Hoa Kỳ - Ấn Độ: bên cạnh một cộng đồng 3 triệu người Mỹ gốc Ấn đã ủng hộ các chiến dịch tranh cử của Trump, hai nước còn chia sẻ các giá trị dân chủ, cộng hưởng lợi ích trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi sẽ tìm thấy tiếng nói chung, bởi cả hai đều có quan điểm bảo thủ [2], có mối quan hệ chặt chẽ với giới doanh nhân, và tự xem mình là người dám nói thẳng, có thể thực hiện những cải cách từ bên ngoài hệ thống chính trị.

Một thách thức lớn cho cả Trump và Modi là xác định mức độ cũng như các lĩnh vực trong mối quan hệ với các đối tác châu Á. Hoa Kỳ mong muốn Ấn Độ sẽ tham gia không chỉ trong các lĩnh vực ngoại giao và kinh tế mà còn cả lĩnh vực quân sự. Để làm được điều này, Washington mong muốn hợp tác với New Delhi trong các vấn đề an ninh, đặc biệt là thông qua hoạt động tuần tra chung. Và khi chỉ huy hạm đội của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, chỉ ra viễn cảnh tiến hành các cuộc tuần tra chung trong một bài phát biểu tại Ấn Độ vào tháng 03/2016, New Delhi đã nhiệt liệt hưởng ứng. Điều đáng chú ý ở đây là trong khi Hoa Kỳ và Ấn Độ đều có những lợi ích chung tại châu Á, hai nước vẫn cần phải triển khai thêm những phương thức hợp tác cụ thể. Thách thức đặt ra hiện nay là, theo Tổng thống Donanld Trump, Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò “kém năng nổ” hơn trên thế giới, trong đó có châu Á. Nếu ông tìm cách giảm quy mô hoạt động của Hoa Kỳ trong khu vực, triển vọng hợp tác Hoa Kỳ - Ấn Độ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Trong tương lai, quan hệ hợp tác Ấn Độ - Hoa Kỳ ở châu Á sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp cận của New Delhi với khu vực ASEAN và rộng hơn là cả chính sách "hành động hướng Đông". Ấn Độ hoàn toàn có khả năng tăng cường hiện diện ở châu Á mà không cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu hợp tác với Hoa Kỳ - cường quốc đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ hòa bình và thịnh vượng chung của khu vực và được nhiều nước châu Á xem là nước lãnh đạo, Ấn Độ sẽ có thêm nhiều triển vọng tăng cường và mở rộng vai trò của mình ở ASEAN và thậm chí cả Trung Á.

 

Thy Thương

Tổng hợp theo http://nbr.org

 


[1] Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP: là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định này vừa kết thúc kỳ đàm phán lần thứ 15 tại Trung Quốc - Người dịch).

[2] Nguyên văn: Both of whom are conservative

 



Other news:
  • Thoả thuận hạt nhân Iran và quan hệ quốc tế ở châu Á (14/01/2017)
  • Đôi nét về Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (10/01/2017)
  • Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư Ấn Độ- Anh Thương mại song phương (04/01/2017)
  • Xu hướng mới trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ: Các nước láng giềng là ưu tiên số một (03/01/2017)
  • Ấn Độ vượt Anh, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 Thế giới (01/01/2017)
  • Kolkata nhận giải thưởng “thành phố ứng phó với biến đổi khí hậu tốt nhất” (19/12/2016)
  • Chính phủ và công ty Intel phối hợp phát triển các “giải pháp công nghệ cao quan trắc chất lượng không khí và nước sông” (18/12/2016)
  • Hai tỷ trẻ em trên thế giới hít thở không khí độc hằng ngày, phần lớn sống ở vùng Bắc Ấn (16/12/2016)
  • RBI dự báo dự báo tăng trưởng Ấn Độ ở mức 7,1% (14/12/2016)
  • Vấn đề quản lý rác thải đang chồng chất ở Ấn Độ (14/12/2016)
  • Nhận giải thưởng quốc tế về tạo cơ hội việc làm cho người khiếm thị trong ngành CNTT (12/12/2016)
  • Ngừng lưu hành tiền mệnh giá lớn: Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để kiềm chế nạn tham nhũng (12/12/2016)
Các tin đã đưa ngày:

[CALL FOR PAPER] THE 4th ASIAN CONSORTIUM OF SOUTH ASIAN STUDIES CONFERENCE: South Asia’s Linkages with East and Southeast Asia: Past and Present

ACSAS (Asian Consortium of South Asian Studies) include INDAS – South Asia Studies Program (Japan), Center of Indian Studies – Chulalongkorn University (Thailand), Institute of Indian Studies – Hankuk University of Foreign Studies (South Korea), South Asian Studies Program – Faculty of Arts and Social Sciences, National University of Singapore (Singapore) and Institute for Indian and Southwest Asian Studies – Vietnam Academy of Social Sciences (Vietnam). The Institute for Indian and Southwest Asian Studies (VIISAS), Vietnam Academy of Social Sciences (VASS) was among the founding members of ACSAS since 2016. In 2020, the 4th ACSAS conference shall be organized in Hanoi, Vietnam on the theme “South Asia’s Linkages with East and Southeast Asia: Past and Present”.

  • [CALL FOR PAPER] THE 4th ASIAN CONSORTIUM OF SOUTH ASIAN STUDIES CONFERENCE: South Asia’s Linkages with East and Southeast Asia: Past and Present
  • Vietnam Joins Trans-pacific Partnership Agreement (TPP): Opportunities and Challenges
  • VIETNAM AND POLAND’S INTEGRATION INTO ASEAN AND THE EUROPEAN UNION: A COMPARATIVE ANALYSIS FROM VIETNAM’S VIEW
  • Ấn Độ và Công ước quốc tế về bắt cóc trẻ em
  • Nhìn lại những thách thức trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ ở khu vực Trung Đông năm 2016
  • Trao quyết định bổ nhiệm 3 lãnh đạo cấp phòng.
  • Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ
  • Đoàn đại biểu Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á tham dự Lễ khai mạc Ngày Văn hóa Phật giáo Ấn Độ tại Việt Nam lần thứ 2 tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên, Chùa Thiên Ân, Vĩnh Phúc.
  • Đại hội công đoàn Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á – Lần thứ II, nhiệm kỳ 2016-2021
  • Lễ trao Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á
Tin mới nhận
 

COPYRIGHT @ VIETNAM INSTITUTE OF INDIAN AND SOUTHWEST ASIAN STUDIES - VIETNAM ACADEMY OF SOCIAL SCIENCES

License No. 197/GP-BC by Ministry of Culture and Information, dated 27/10/2005

Address: 7 Floor - No. 1 - Lieu Giai - Ba Dinh - Ha Noi

Contact No: 04.62730749 Email: vniisas@gmail.com | tcnc.andovachaua@gmail.com.

 

Visited: