04/01/2017
Vương quốc Anh là một trong những đối tác thương mại lớn của Ấn Độ. Trong năm tài chính (FY) 2014-15 [1], Anh xếp hạng 18 trong danh sách 25 đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Bước sang năm tài chính 2015-16, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Ấn Độ. Theo Văn phòng Thống kê Vương Quốc Anh, trong năm 2014, thương mại dịch vụ song phương Ấn Độ-Anh (không bao gồm du lịch, vận tải và ngân hàng) lên tới xấp xỉ 2,5 tỷ bảng Anh (GBP). Trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ sang Anh trong lĩnh vực dịch vụ (không bao gồm du lịch, vận tải và ngân hàng) lên tới 1,5 tỷ GBP và nhập khẩu của Ấn Độ từ Anh trong lĩnh vực dịch vụ (không bao gồm du lịch, vận tải và ngân hàng) lên tới 975 triệu GBP. Thương mại song phương Ấn Độ- Anh từ năm 2004 đến năm 2014 đã tăng 170%. Trong giai đoạn này, hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ sang Anh tăng 226% và hàng hóa xuất khẩu của Anh sang Ấn Độ tăng 153%. Mặc dù, Anh là nước xuất khẩu dịch vụ lớn thứ hai trên thế giới và Ấn Độ là nước có tốc độ phát triển dịch vụ lớn thứ hai trên thế giới với tốc độ CAGR là 9%, thương mại dịch vụ Anh -Ấn Độ chưa xứng với tiềm năng phát triển của cả hai bên. Trong năm 2014, Anh nhập khẩu các dịch vụ từ Ấn Độ chỉ bằng 1/10 so với nhập khẩu từ Mỹ, và xuất khẩu dịch vụ của Anh đến Ấn Độ chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ của mình đến châu Á.
Các sản phẩm xuất khẩu chính của Ấn Độ sang Anh bao gồm: hàng may mặc và dệt may, máy móc dụng cụ, sản phẩm xăng dầu, da giày, sản xuất kim loại, đá quý và đồ trang sức, hàng công nghiệp, thiết bị vận tải và phụ tùng, các loại gia vị, thuốc, dược phẩm và hải sản. Hàng hóa Ấn Độ nhập khẩu từ Anh bao gồm: máy móc, thiết bị, quặng và phế liệu kim loại, đá quý và bán quý, bạc, kim loại, máy bay phụ tùng, đồ uống, máy móc thiết bị, hàng công nghiệp, và các công cụ chuyên nghiệp khác, thiết bị điện tử, kim loại màu và hóa chất.
Các cơ chế song phương giữa Ấn Độ và Anh như Đối thoại Kinh tế- Tài chính Ấn Độ-Anh (EFD) và Uỷ ban hỗn hợp Kinh tế và Thương mại Ấn Độ-Anh (JETCO) là hai cơ chế đối thoại, thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước. Đối thoại Kinh tế và Tài chính Ấn Độ-Anh (EFD) được thành lập vào tháng 02/2005 thông qua việc ký kết một thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Tài chính của hai nước tăng cường các mối quan hệ tài chính và kinh tế giữa Ấn Độ và Anh. Đối thoại thảo luận về kinh tế toàn cầu, những thách thức, rủi ro kinh tế vĩ mô và phản ứng chính sách, tài chính cơ sở hạ tầng và dịch vụ tài chính. Chính phủ Anh đã đồng ý tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ trên các lĩnh vực chính bao gồm: xây dựng thành phố thông minh, năng lượng, tái tạo năng lượng và đường sắt. Tất cả các lĩnh vực này đều rất cần thiết cho sự ổn định và phát triển kinh tế của Ấn Độ trong tương lai.
Cả hai bên đã đồng ý tăng cường đáng kể các liên kết giữa các cộng đồng kết hợp dịch vụ tài chính và công nghệ Fin-Tech hàng đầu ở Ấn Độ và Anh, thực hiện các cam kết chung đáng kể để nâng cao lợi ích thương mại Fin-Tech giữa hai quốc gia. Các công ty Fin-Tech của Anh hỗ trợ để cung cấp giúp đỡ các công ty của Ấn thực hiện “Ấn Độ số” (Digital India) gồm các lĩnh vực ưu tiên như tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp nhỏ.
Trong cuộc họp Đối tác tài chính Ấn Độ-Anh (IUKFP) được tổ chức tại London vào ngày 02/11/2015, hai bên đồng thuận đưa ra quyết định sẽ tập trung vào những công việc sau đây: phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau chuyên môn về lĩnh vực tài chính và các quy định thị trường, tài trợ cơ sở hạ tầng, quốc tế hóa đồng Rupee, dịch vụ bảo hiểm, tăng cường đào tạo, hỗ trợ tài chính và trình độ chuyên môn.
Ủy ban hỗn hợp Kinh tế Thương mại Ấn Độ-Anh (JETCO) được thành lập vào ngày 13/01/2005. JETCO cung cấp một diễn đàn để các công ty Anh và Ấn Độ tăng cường liên kết và phát triển quan hệ đối tác mới với các nhà sản xuất kinh doanh. JETCO họp thường niên dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp (CIM) và Bộ Kinh doanh, Đổi mới và Kỹ năng (BIS), họp luân phiên tại Delhi và London. Chính phủ hai nước và đại diện các ngành công nghiệp đã thảo luận ngày 19/01/2015, tại kì họp lần thứ 10 của JETCO được tổ chức tại London, đã nhất trí thành lập ba nhóm công tác với ba chủ đề chính Giáo dục và Phát triển kỹ năng, Thành phố thông minh, Hợp tác công nghệ, nâng cao sản xuất và kỹ thuật.
Đầu tư
Anh là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Ấn Độ (sau Mauritius và Singapore) với tổng số vốn 22,2 tỷ USD (giai đoạn 2000- 2015), đứng đầu trong nhóm nước G20 đầu tư trực tiếp vào Ấn Độ. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp FDI của Anh vào Ấn Độ trong 5 năm gần đây đã giảm từ 7,8 tỷ USD trong năm 2011-12 xuống còn 1,4 tỷ USD trong 2014-15. Đầu tư FDI của Anh tại Ấn Độ cho thấy sự không ổn định. Ước tính, các công ty Anh sử dụng 691.000 người lao động Ấn Độ. Ba lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư của Anh tại Ấn Độ là ngành hóa chất chiếm 26% tổng FDI của Anh tại Ấn Độ, tiếp theo là ngành dược phẩm chiếm 17%, thứ ba là khu vực chế biến thực phẩm chiếm 14%.
Theo Văn phòng Thống kê Vương quốc Anh, giá trị FDI của Ấn Độ vào Anh đã cho thấy một sự gia tăng đáng chú ý từ năm 2004 đến năm 2013, từ 200 triệu USD tới 1,9 tỷ USD. Hiện nay có khoảng hơn 800 doanh nghiệp Ấn Độ ở Anh, sử dụng hơn 110.000 lao động. Trong đó, 13 công ty Ấn Độ từng sử dụng hơn 1.000 người tại Anh, 65.000 người làm việc cho Tata Group, 28.000 người làm việc cho Tata Motors. Theo Báo cáo đầu tư thường niên năm 2014-15 của bộ Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh (UKTI), trong năm này Ấn Độ đã tiến hành 122 dự án FDI tại Anh, tăng 65% so với năm trước đó và khiến Ấn Độ trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ ba tại Anh chỉ sau Mỹ và Pháp. Đầu tư của Ấn Độ tại Anh trong năm 2014 tạo ra 7.730 việc làm mới. Các lĩnh vực mà các công ty Ấn Độ đầu tư tại Anh bao gồm y tế, công nghệ, nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.
Hậu Brexit và quan hệ Ấn Độ- Anh
Sau khi nước Anh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), khả năng hai bên sẽ ký kết một Hiệp định thương mại tự do FTA song phương giữa Anh và Ấn Độ. Các cuộc đàm phán giữa hai bên chủ yếu liên quan đến vấn đề thương mại liên quan đến hậu Brexit. Bà Nirmala Sitharaman- Bộ trưởng bộ Thương Mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết “thương mại với Anh là rất đáng kể, các khoản đầu tư của Ấn Độ tại Anh là rất lớn. Rất nhiều việc làm được tạo ra ở Anh do các nhà đầu tư Ấn Độ. Tương tự như vậy, chúng ta có tiềm năng rất lớn trên lĩnh vực dịch vụ”. Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Vương Quốc Anh, tiến sĩ Liam Fox MP, trong chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 08/2016 đã nhận xét “mối quan hệ thương mại giữa hai nước ở thời điểm hiện tại là phát triển nhưng quan trọng hơn là có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai”. Quá trình đàm phán sẽ là rất khó khăn, không dễ dàng đạt được thỏa thuận nhanh chóng. Nhưng với sự lạc quan và tích cực cả hai bên hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong thời gian sắp tới.
Thủ tướng Anh- bà Therese May đã có chuyến thăm Ấn Độ ba ngày bắt đầu từ ngày 06/11/2016, tham gia Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ Ấn Độ- Anh (India-UK Tech Summit). Hội nghị này là cơ hội để các công ty hai nước tận dụng mối quan hệ tốt đẹp hai bên để phát triển hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư hai nước. Đây là sự kiện đánh dấu một năm kể từ chuyến thăm mang tính bước ngoặt của thủ tướng Modi thực hiện chuến thăm tới Vương Quốc Anh, Hội nghị thượng đỉnh Công nghệ 2016 “Sự kết hợp không thể phá vỡ” đã giới thiệu những đổi mới kinh doanh tốt nhất. Hội nghị sẽ được tổ chức theo 5 chuyên đề bao gồm: Công nghệ, Doanh nhân và Đổi mới, Giáo dục đại học, Thiết kế và Sở hữu trí tuệ. Trong chuyến thăm này, bà May đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, cuộc hội đàm giữa hai bên tập trung vào việc dõ bỏ các rào cản thương mại và chuẩn bị cho một hiệp định tự do thương mại sau khi Anh rời khỏi EU. Thủ tướng Modi đã nhận xét: “Cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên một môi trường sôi động và thịnh vượng cho các hoạt động thương mại với công nghệ đột phá”. Phía Ấn Độ cũng hy vọng, chương trình Make in India sẽ là phần chủ chốt trong sự gắn kết hai nước. Ấn Độ khuyến khích các công ty Anh tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực quốc phòng ở nước này, xây dựng các mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Ấn Độ trong lĩnh vực chế tạo và chuyển giao công nghệ. Về phía Anh, Thủ tướng Anh bà Theresa May nhấn mạnh tiềm năng trong quan hệ Anh- Ấn Độ là vô hạn, nước Anh muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ thương mại sâu sắc với Ấn Độ. Kết thúc cuộc hội đàm, Hai bên đã kí kết nhiều thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hai bên cũng nhất trí thành lập Uỷ ban chung thúc đẩy thương mại. Chuyến thăm đã tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Anh, với định hướng phát triển mối quan hệ trong tương lai, hai bên đã xây dựng một lộ trình cụ thể và toàn diện dựa trên sự gắn kết song phương và toàn cầu.
Nguyễn Thị Hiên
Tài liệu tham khảo:
[1] ukibc.com
[2] gov.uk
[3] thehindu.com
[4] economictimes.indiatimes.com
[5] bbc.com
[6] mea.gov.in
[1] Năm tài chính của Ấn Độ bắt đầu từ ngày 01/04 của năm này đến ngày 31/03 năm kế tiếp
Ví dụ: Năm tài chính 2014-15 được tính từ ngày 01/04/2014 tới ngày 31/03/2015
ACSAS (Asian Consortium of South Asian Studies) include INDAS – South Asia Studies Program (Japan), Center of Indian Studies – Chulalongkorn University (Thailand), Institute of Indian Studies – Hankuk University of Foreign Studies (South Korea), South Asian Studies Program – Faculty of Arts and Social Sciences, National University of Singapore (Singapore) and Institute for Indian and Southwest Asian Studies – Vietnam Academy of Social Sciences (Vietnam). The Institute for Indian and Southwest Asian Studies (VIISAS), Vietnam Academy of Social Sciences (VASS) was among the founding members of ACSAS since 2016. In 2020, the 4th ACSAS conference shall be organized in Hanoi, Vietnam on the theme “South Asia’s Linkages with East and Southeast Asia: Past and Present”.